-
Giỏ hàng của bạn trống!
KINH LUÂN & Ý NGHĨA TỊNH HÓA BẤT THIỆN NGHIỆP THÙ THẮNG
Kinh điển dạy rằng sau khi Đức Phật thành đạo, Ngài đã ngồi im lặng cho đến khi có chư Thiên xuống thỉnh Ngài chuyển bánh xe Pháp, tuyên thuyết, hoằng truyền giáo pháp về chân lý vũ trụ và con đường đạt đến giác ngộ.
Kinh luân hay bánh xe cầu nguyện có liên hệ đến ý nghĩa này. Bằng cách thực hành quay Kinh luân, hành giả sẽ vận chuyển hay kết nối với bánh xe chính pháp của chư Phật. Phương pháp này sẽ đưa hành giả đến quả vị Phật – Bậc giác ngộ toàn tri chuyển bánh xe Pháp vì lợi ích hết thảy hữu tình không phân biệt.
Kinh luân, hay bánh xe cầu nguyện, là một trong những phương pháp thực hành tâm linh đơn giản và hiệu quả nhất. Bất kể bạn có phải là tín đồ Phật giáo hay không, chỉ cần quay hoặc ở gần một Kinh luân, bạn sẽ được nhận những năng lượng từ trường an lành vô cùng tích cực, khiến tịnh hóa vô vàn nghiệp xấu và giúp thân tâm trở nên an lạc.
Kinh luân gồm một hình trụ xoay trên một trục ở trung tâm. Những cuộn kinh ghi chân ngôn được quấn bên trong quanh trục này và vỏ bên ngoài thường chạm khảm chân ngôn Lục Tự Đại Minh “Om Mani Padme Hum” cùng các biểu tượng Tam muội da của chư Phật hoặc các biểu tượng cát tường cúng dường thù thắng.
Người dân vùng Himalaya chế tạo ra Kinh luân với nhiều kích cỡ khác nhau từ chiếc bé nhỏ có kích cỡ vài centimet đến chiếc lớn đường kính vài mét. Có những Kinh luân chỉ được trang trí một cách mộc mạc đơn giản như bằng lớp vải, gỗ hoặc da.
Một số khác cỡ lớn hơn lại được trang hoàng rất tinh tế, cầu kỳ, khảm đồng thếp vàng như một tác phẩm nghệ thuật tuyệt hảo. Loại Kinh luân này được gọi là Kinh luân Vương. Ở bốn phương chính của Đại Bảo tháp Tây thiên có các Kinh luân Vương cỡ lớn cao hai mét. Bao quanh sát phần kiến trúc chính của Bảo tháp là các Kinh luân cỡ vừa để đại chúng viếng thăm có thể kết hợp nhiễu Tháp và cầu nguyện chuyển chú tích lũy công đức!
Để yểm Kinh luân Lục tự minh chân ngôn, trước hết các vị Tăng an vị trục quay ở bên trong Kinh luân. Kế đến các ngài gia trì trục trung tâm của Kinh luân bằng cách thư lên ba chủng tử Om, Ah, Hung và sau đó viết chân ngôn thích hợp bằng tiếng Phạn hoặc tiếng Tạng phía dưới chủng tử này.
Cuối cùng, các vị sẽ đưa các bản kinh in chân ngôn Lục Tự minh “Om Mani Padme Hum” với kích cỡ phù hợp vào trục của Kinh luân, rồi bắt đầu cuốn từ vị trí của chữ “Om” theo chiều quay đồng hồ cho đến khi Kinh luân chứa đầy kinh. Khi đã cuốn xong, người ta có thể dùng vải bọc kín vòng kinh yểm bên trong lại.
VẬY LỢI ÍCH CỦA KINH LUÂN LÀ GÌ?
Theo kinh điển Phật giáo, việc lắp đặt Kinh luân mang lại lợi ích ý nghĩa vô cùng lớn lao. Khi an vị Kinh luân ở trên núi cao, tất cả chúng sinh phía dưới dù chạm vào hoặc trực tiếp đón nhận luồng gió phát ra từ Kinh luân hay chỉ cần có duyên chiêm bái đều có thể giải thoát khỏi khổ đau của loài ngã quỷ.
Khi đặt Kinh luân trên ngọn lửa, tất cả chúng sinh ngửi mùi khói hoặc nhìn thấy tia sáng phát ra từ ngọn lửa đều được giải thoát. Khi Kinh luân được đặt trên mặt đất, tất cả chúng sinh chạm vào mặt đất đó cũng thoát khỏi mọi đau đớn, khổ sở của quỷ đói.
Để một Kinh luân trong nhà sẽ mang lại từ trường an lạc, quân bình vô cùng tích cực. Các bậc Thầy Kim Cương thừa dạy rằng một ngôi nhà có Kinh luân sẽ được bảo hộ như Potala, cõi Tịnh độ của Đức Quan Âm, mà không cần có sự sắp đặt phong thủy hoặc an vị nào khác.
Nếu biết cách an vị một Kinh luân Vương tại nơi nhiều người qua lại và nơi chư Thiên thường ghé thăm thì đó sẽ là bánh xe chuyển Pháp vĩ đại. Chúng sinh hữu tình hay vô tình có phúc duyên nhìn thấy bánh xe này sẽ tức thời tiêu tan mọi phiền não!
Bởi Kinh luân là hiện thân kim khẩu giác ngộ của chư Phật nên khi được quay, các chuỗi chân ngôn bên trong chuyển động sẽ mang đến từ trường và năng lực gia trì an lành, tích cực của chư Phật, Bồ tát. Người quay Kinh luân sẽ kết nối được với suối nguồn từ bi và trí tuệ của chư Phật, giúp tâm thức trưởng dưỡng các phẩm chất này và tiến gần hơn tới bản chất Phật tính nơi tự tâm. Như thế, bằng cách thực hành pháp tu Kinh luân, hành giả có thể đạt được thân, tâm và những phẩm chất giác ngộ của chư Phật.
Đức Phật Di Đà từng dạy:
“Bất cứ ai quay bánh xe Pháp trong khi trì tụng chân ngôn Lục tự Đại Minh thì cũng may mắn như được diện kiến hàng nghìn đức Phật”.
Đức Phật Thích Ca cũng giảng rằng:
“Quay Kinh luân một lần thôi thì còn lợi lạc hơn bảy hay chín lần nhập thất với tâm vị kỷ”.
Bằng cách thực hành pháp tu Kinh luân, chúng sinh không chỉ tích lũy công đức mà còn tịch hóa được vô vàn nghiệp chướng. Đặc biệt, dưới góc độ pháp số, sự chuyển động của Kinh luân chuyển chú mang lại công đức ngang bằng việc trì tụng chân ngôn.
Một vòng quay bánh xe Kinh luân chứa 1 triệu câu chân ngôn sẽ giúp tích lũy công đức ngang bằng với trì tụng câu chân ngôn này 1 triệu lần.
Trên thế giới có những Kinh Luân Vương khổng lồ chứa tới hàng tỉ biến chân ngôn, chẳng hạn như dự án Kim Cương Luân Vương do Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa bảo trợ vừa được an vị đầu năm 2013 tại gần Tháp thiêng Swayambhunath. Với chiều cao 15 mét, trọng lượng 40 tấn, chứa đựng một tỷ bản kinh chú Trăm âm để tịnh hóa nghiệp chướng, đây là một Kinh luân Vương đặc biệt thù thắng!
Khi đọc lợi ích của pháp tu này, chúng ta mới nhận thấy mình thật may mắn phúc báo bởi trong khi rất nhiều người chưa có thắng duyên hạnh ngộ Tam bảo, tu trì Phật pháp, thực hành con đường Bồ tát đạo, chúng ta lại có phước duyên may mắn được hạnh ngộ và có niềm tin với pháp môn quay Kinh luân trong khi trì tụng chân ngôn Lục Tự Đại Minh của Đức Quan Âm, vị Phật của lòng Đại từ bi và Bồ đề tâm hướng đến muôn loài.
Đây là phương cách đơn giản nhất để tịnh hóa tất cả bất thiện nghiệp, thậm chí cả những ác nghiệp nặng nề nhất như năm tội vô gián đều được tịnh hóa nhờ việc quay Kinh luân với động cơ Bồ đề tâm. Chắc chắn từ trong kiếp quá khứ chúng ta đã tích lũy được nhiều công đức để hôm nay có cơ duyên được thực hành với niềm tin vào pháp môn tu tập này.
Trong khi quay Kinh luân, bạn hãy ghi nhớ giáo lý sau:
“Mục đích cuộc sống của tôi là mang đến hạnh phúc không chỉ cho cá nhân mình mà tất cả chúng sinh, làm lợi ích cho tất cả mọi người và mọi loài.
Tôi sẽ giải thoát khổ đau cho tất cả chúng sinh và mang đến cho họ niềm hạnh phúc chân thật không chỉ trong kiếp sống này mà cả kiếp trong tương lai”.
Bất kỳ hành động nào của chúng ta cũng cần xuất phát từ nền tảng Bồ đề tâm như vậy!
Bình luận
Không có bình luận nào cho bài viết.
Viết bình luận